Đặc điểm Ngựa_Đà_Lạt

Ngựa cỏ

Một con ngựa ở Đà Lạt với màu lang (ô truy)

Loài ngựa bản địa này được gọi bằng cái tên dân dã là ngựa cỏ. Ngựa cỏ ở vùng này thấp, nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn và khỏe. Trọng lượng trung bình của một con ngựa trưởng thành chỉ khoảng từ 200–250 kg. Giới nuôi ngựa ở Đà Lạt dùng tên ngựa cỏ để ám chỉ ngựa của đồng bào thiểu số ở xã Lát, Đạ Sar (Lạc Dương), tuy thân hình chúng nhỏ nhưng lại dẻo dai, bền bỉ phù hợp để thồ hàng và kéo xe trên mọi địa hình hiểm trở.

Các phu xe ở Đà Lạt, Đơn Dương và Phan Rang, Bình Phước vẫn đến Bon Đưng-xã Lát, Hòn Bồ-Đạ Sar để tầm mã một con ngựa cỏ trên đường bằng có thể kéo hơn một tấn hàng, đường dốc Đà Lạt hay đường lầy lội chúng vẫn kéo được 7-8 tạ. Chọn những con ngựa từ 4-6 tuổi vì đó là tuổi sung sức nhất, dấu hiệu để nhận biết chúng là vừa mọc đủ răng và răng trắng đều, mặt khác, cổ dài, gân to, thịt săn, bờm dày, bụng gọn, ngực nở, chân thẳng và thon chắc. Nên cho ngựa chạy thử mấy vòng quanh núi, nếu vẫn thở đều, không khục khắc là đạt[5].

Ngựa Đà Lạt có dáng vẻ đẹp đẽ, oai vệ mà thanh nhã, hiền lành, vì không có tên nên chúng thường được gọi tên theo sắc lông như lông màu trắng gọi là ngựa bạch, trắng chen một ít đen gọi là ngựạ kim; đen tuyền gọi là ngựa ô; đen pha đỏ tươi là ngựa vang; đen pha đỏ đậm là ngựa hồng; trắng đen pha chút đỏ là ngựa đạm, tím đỏ pha đen là ngựa tía. Có những con ngựa mới 3 tháng tuổi đã cao lộc ngộc theo nòi bố và đang dần đổi màu từ vùng mặt, tròn tuổi trở đi nó sẽ trở nên đen tuyền như mẹ[6]. Ngựa của người Lạch dẻo dai, dũng mãnh, giỏi leo núi và ít bị bệnh nhưng lại thấp, nhỏ con, lông ngắn nên chẳng bắt mắt. Ngày nay người Lạch đã học cách phối ngựa Lạch với một số giống ngựa có nguồn gốc từ châu Âu hoặc Trung Đông để cho ra những con lai vừa có những ưu thế của ngựa bản địa vừa có vóc dáng đẹp, cao ráo, bộ lông mượt mà[5].

Ngựa lai

Một số giống ngựa lai được nuôi trên cao nguyên Mdrak

Bên cạnh những con ngựa cỏ, phải gánh vác việc đồng áng để sinh tồn cùng chủ của chúng, có một bầy đàn ngựa nhập ngoại di cư đến Đà Lạt, có một đời sống khác hơn. Chúng có nguồn gốc tổ tiên từ hàng trăm năm trước theo những dấu chân đầu tiên của đoàn thám hiểm do Bác sĩ Alexandre Yersin. Năm 1893, Yersin đã cưỡi ngựa thám hiểm và khám phá Lang Biang, ông dẫn đầu một đoàn thám hiểm gồm 6 người cưỡi trên lưng sáu con ngựa sải những bước chân xuyên rừng, vượt qua bao đèo dốc, thẳng hướng từ Nha Trang lên đỉnh ngọn núi Lang Bian (Đà Lạt).

Con ngựa ông Yersin cưỡi là giống ngựa Trung Á lai Pháp (Ăng-lê Ả rập) có bộ lông màu da bò nhưng sáng màu hơn nên gọi là ngựa hồng. Rồi lần lượt nhiều giống ngựa lai dừng chân ở đây. Những con ngựa con lần lượt ra đời. Hầu hết chúng có nguồn gốc ở Pháp, Úc. Chúng khá to, cao, trọng lượng khoảng 400–500 kg, nhưng không phải là giống ngựa khoẻ. Chúng được coi là những là những con ngựa quý tộc[1].

Bảo Đại mỗi khi lên Đà Lạt, ông chọn con ngựa đẹp nhất là một chú ngựa lang (có 3 màu đen, vàng, trắng), leo lên lưng nó, dẫn theo một đoàn tuỳ tùng vào rừng đi săn hay đi ngắm cảnh. Những con ngựa lai ở Đà Lạt ngày càng phong phú hơn về chủng, loài. Nhiều tay lái ngựa luân chuyển những con ngựa không còn sử dụng ở trường đua Phú Thọ (Sài Gòn) lên Đà Lạt, rồi chọn những tuấn mã, giống tốt, khoẻ về huấn luyện làm ngựa đua để bán kiếm lời. Khó mà biết chính xác những con ngựa lai ở Đà Lạt bây giờ là thế hệ thứ mấy, có nguồn gốc, tổ tiên là đâu. Đà Lạt–Lâm Đồng hiện còn khoảng 600 con ngựa. Một nửa số đó là ngựa cỏ, còn lại là ngựa lai. Nhưng chỉ có khoảng 100 con ngựa lai được chăm sóc kỹ càng để du lịch. Những con ngựa lai tốt mã có giá từ 30-40 triệu đồng. Hi hữu có con tuyệt đẹp (ngựa lang) có khách trả anh đến 50 triệu đồng, trong khi ngựa cỏ giá chỉ chừng 5-7 triệu đồng/con.

Du khách đến các điểm tham quan du lịch như Thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, Dinh Bảo Đại đều thấy đội quân tuấn mã rất hùng hậu, trong đó có cả những chú ngựa cỏ bản địa lẫn những chú ngựa lai to con tốt tướng (giới nuôi ngựa gọi là ngựa cảnh), chuyên cho du khách thuê chụp hình, thuê cưỡi chu du khắp núi đồi, những chú ngựa cảnh to con tốt tướng hầu hết là ngựa phế thải được du nhập về từ trường đua Phú Thọ vì có thành tích kém cỏi trên đường đua hoặc bị dị tật. Giá mỗi con không dưới 10 triệu đồng. Về sau, để tiết kiệm, người ta cho phối giống giữa ngựa cảnh và ngựa cỏ nên thân hình thế hệ ngựa lai chỉ tầm tầm bậc trung, không bệ vệ, oai phong như ngựa cảnh có nguồn gốc từ Anh, Pháp đó là ngựa lai giữa ngựa cỏ và ngựa cảnh[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa_Đà_Lạt http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cai-dau-dai-x... http://baophapluat.vn/bi-an-cuoc-song/dong-ho-gan-... http://cand.com.vn/doi-song/dau-xua-xe-ngua-350614... http://cstc.cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/Chang-c... http://laodong.com.vn/phong-su/langbian-doi-ngua-d... http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/8152802-.... http://danviet.vn/tin-tuc/vo-ngua-noi-cao-nguyen-1... http://wru.edu.vn/khu-du-lich-nui-langbiang-da-lat... http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/a/book/Pages/books... http://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-dong-yen-ngua-du...